Đường đua khám phá vũ trụ ngày càng sôi động

Khám phá không gian ngoài vũ trụ bao la ngoài kia luôn là ước vọng của con người để tìm hiểu về những ẩn số về các hành tinh khác, tác động lên Trái đất như thế nào, tìm kiếm nguồn tài nguyên mới và có lẽ là cả tiềm năng tìm ra một hành tinh có thể sinh sống được sau Trái đất.

Hơn nửa thế kỷ kể từ khi con người đặt chân lên Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo của Mỹ, chúng ta lại chứng kiến sự gia tăng trong hoạt động chinh phục không gian và lần này cuộc đua đã có thêm các nhân tố châu Á.

Tháng 6 /2023, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới đưa một vệ tinh tự sản xuất gắn trên tên lửa SpaceX lên quỹ đạo, nhằm thúc đẩy tham vọng chinh phục không gian.

Ngày 23/8/2023 là dấu mốc lịch sử. Tàu vũ trụ Chandra-yaan-3 của Ấn Độ đã đổ bộ thành công xuống gần khu vực chưa được khám phá, được mệnh danh là "vùng tối của Mặt Trăng".

Cuộc đổ bộ của Chandrayaan-3 đặc biệt có ý nghĩa bởi trước Ấn Độ, chưa có quốc gia nào thành công trong việc hạ cánh tàu vũ trụ ở cực nam của Mặt Trăng. Đồng thời đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ tư thành công trong việc đưa tàu vũ trụ lên vệ tinh của Trái đất, sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc.

Tàu SLIM của Nhật Bản hạ cánh thành công xuống Mặt trăng tháng 1/2024 (Ảnh: JAXA)

Không thể không nhắc tới sự kiện đầu năm nay khi Nhật Bản là nước đầu tiên cho tàu đổ bộ SLIM thử hạ cánh chính xác lên bề mặt Mặt Trăng và và thiết lập lại liên lạc với Trái đất. Gọi là chính xác bởi công nghệ hạ cánh này được coi tiến bộ vượt bậc cho phép tàu đổ bộ hạ cánh chỉ cách mục tiêu khoảng 100m so với khoảng cách vài kilomet trước đó.

Trung Quốc cũng không đứng ngoài cuộc đua với việc xây dựng một chương trình rất dày đặc trên Mặt Trăng.

Mới đây nhất, hôm 3/5, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò Hằng Nga-6, được gắn trên tên lửa Trường Chinh từ bệ phóng tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, con tàu sẽ chạm tới phía xa của Mặt trăng, lấy một số mẫu và trở lại Trái đất - điều chưa từng được thực hiện trước đây.

Hiện tại, Trung Quốc đang nỗ lực vượt qua rào cản công nghệ để phát triển một loại tên lửa hạng nặng đủ đưa cả phi hành gia và tàu thăm dò khỏi mặt đất.

Như vậy, hơn 50 năm sau lần đầu tiên con người đặt chân lên Mặt Trăng, một cuộc đua mới tới hành tinh này lại tiếp tục với sự hỗ trợ của những công nghệ đã phát triển hơn rất nhiều. Với việc nhiều nước châu Á tham gia và đã đạt được nhiều bước tiến đáng kinh ngạc, diễn biến này làm nóng cuộc đua chinh phục vũ trụ vốn từng được xem là thế mạnh của phương Tây.

Tham vọng của Trung Quốc trong sứ mệnh thăm dò Mặt Trăng

Tàu thăm dò Hằng Nga-6 được xem là sứ mệnh Mặt Trăng bằng robot phức tạp nhất của Trung Quốc cho đến nay. Đây là nỗ lực đầu tiên trên thế giới nhằm thu thập 2.000 gram mẫu vật chất từ vùng tối của Mặt Trăng đưa về Trái đất nghiên cứu. Hằng Nga-6 là 1 phần trong 4 giai đoạn của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng.

Tàu Hằng Nga-6 của Trung Quốc được phóng thành công chiều 3/5/2024 (Ảnh: CCTV)

Chuyên gia Trung Quốc Ngô Vĩ Nhân nhận định công nghệ vũ trụ của Trung Quốc đã có những bước tiến nhảy vọt, thiết lập cơ sở hạ tầng quan trọng đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng Trạm nghiên cứu mặt trăng quốc tế vào năm 2035. Ông còn nhận định, Trung Quốc có thể sẽ là quốc gia đầu tiên đem mẫu vật từ Sao Hỏa trở về Trái đất. Trung Quốc tham vọng vào giữa thế kỷ này sẽ phóng tàu vũ trụ có động cơ đẩy mới khám phá khoa học ở những vùng cực xa xôi, tối tăm và lạnh lẽo mà con người chưa biết đến.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng cuộc chạy đua không gian mới giữa Mỹ và Trung Quốc là tìm kiếm và kiểm soát nguồn tài nguyên thiên nhiên như nước. Đây là cuộc đua về công nghệ và Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ. Tốc độ phát triển công nghệ của Trung Quốc đã khiến Mỹ không khỏi lo lắng.

Lợi thế của Ấn Độ

Trên con đường chinh phục Mặt Trăng, không thể không nói tới dấu mốc lịch sử của Ấn Độ - quốc gia đầu tiên đổ bộ gần cực nam của Mặt Trăng và đạt mục tiêu tham gia "câu lạc bộ lên Mặt Trăng" cùng với Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đã từng nhấn mạnh về khái niệm "Amrit Kaal", có nghĩa là thời điểm vàng để mở ra một sứ mệnh mới, mà trong đó hàng không vũ trụ là một trong những ưu tiên hàng đầu. Điều này cho thấy nỗ lực không nhỏ của quốc gia này trong đường đua vào vũ trụ.

Tham vọng của sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của Ấn Độ rất rõ ràng. Bước đầu, họ sẽ phân tích tại chỗ các nguyên tố của bề mặt cực nam Mặt Trăng và môi trường xung quanh đó. Khi đã có đầy đủ thông tin, Ấn Độ sẽ tiến tới xây dựng một trạm không gian trên bề mặt Mặt Trăng, đưa phi hành gia lên đó. Trạm không gian trên bề mặt Mặt Trăng được kỳ vọng sẽ là một bàn đạp hay một căn cứ địa trên không gian để đưa con người tiến tới vào hành trình xa hơn như khám phá Sao Hỏa hay các vùng không gian khác.

Mặc dù mọi thứ vẫn còn ở thì tương lai nhưng Ấn Độ đang tỏ ra khá tin tưởng vào kế hoạch của mình. Cái đặc biệt của Chandrayaan-3 hay sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của Ấn Độ là chỉ tiêu tốn gần 75 triệu USD. Con số này là chỉ bằng một nửa bộ chi phí để làm bộ phim Interstellar (Hố đen tử thần) - một bộ phim viễn tưởng của Hollywood về không gian, thậm chí cũng thấp hơn cả một bộ phim của điện ảnh Bollywood của Ấn Độ.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên đổ bộ gần cực Nam của Mặt Trăng (Ảnh: News18)

Người Ấn Độ tự hào về chiến lược khám phá không gian kiểu con nhà bình dân của mình. Họ tôn vinh những nhà khoa học làm việc chăm chỉ, uyên bác nhưng giản dị, không hỏi sự đãi ngộ gì phải đặc biệt hơn so với cộng đồng các ngành khoa học khác. Họ cũng tự hào vì đã xây dựng một quy trình chặt chẽ để kiểm soát chi phí, giảm thiểu lãng phí trong từng khấu từng công đoạn. Chi phí thấp mà Ấn Độ đạt được với con tàu Chandrayaan-3 cũng được nước này xem là mình chứng cho thấy Ấn Độ đã kế thừa và phát triển được khá xuất sắc kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khám phá không gian như Mỹ hay Nga.

Khám phá vũ trụ không chỉ vì những mục đích khoa học cao cả, đó còn là một ngành kinh tế. Các tính toán gần đây cho thấy quy mô của ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu hiện đạt 630 tỷ USD, chủ yếu thông qua các dịch vụ phóng vệ tinh liên lạc, định vị hay khảo sát tài nguyên. Nhưng dự kiến ngành công nghiệp vũ trụ sẽ tăng trưởng khoảng 9% mỗi năm và đến năm 2035 sẽ đạt 1,8 nghìn tỷ USD và mở rộng quy mô, không chỉ còn xoay quanh các dịch vụ vệ tinh.

Từ những thành công đã đạt được, Ấn Độ hiện đang nỗ lực thúc đẩy một cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực khám phá vũ trụ, thúc đẩy sự tham gia tư nhân trong lĩnh vực này. Giờ đây, khi khám phá không gian đang ngày càng thu hút thêm nhiều nhân tố mới, chi phí ngày càng được rút giảm, thì không ít ý kiến lại một lần nữa nhắc tới khả năng con người sẽ tiến tới một cuộc cách mạng khoa học của lĩnh vực khám phá không gian.

Lợi ích từ các sứ mệnh khám phá vũ trụ

Các tiến bộ công nghệ gần đây đã làm giảm chi phí cho các kế hoạch chinh phục không gian và khiến cuộc chạy đua trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm đến lợi ích khoa học tiềm năng, uy tín quốc gia và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị mà các sứ mệnh không gian thành công có thể mang lại.

Lĩnh vực hàng không vũ trụ đã liên tục chứng kiến những tiến bộ đáng kể, mở ra những hy vọng mới cho mối liên kết giữa con người và vũ trụ. 2023 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn trong cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại. Các dự án khám phá không gian thậm chí còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong năm 2024 với Mặt Trăng tiếp tục là đích đến hàng đầu.

Bà Lea Albrecht - phóng viên Khoa học, Kênh truyền hình DW - cho biết: "Từ khi nước được phát hiện trên bề mặt Mặt Trăng, chủ yếu tại cực Nam, công cuộc thám hiểm Mặt Trăng càng được quan tâm hơn. Bởi nước trên Mặt Trăng có thể được sử dụng làm nước uống cho các phi hành gia, được tận dụng để tạo ra hydro làm nhiên liệu và oxy để thở. Công cuộc khám phá Mặt Trăng giống như mở ra một cánh cửa mà từ đó chúng ta có thể đi xa hơn, sâu hơn để khám phá hệ Mặt Trời".

Lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ đóng góp mang lại nhiều lợi ích khoa học tiềm năng (Ảnh: Global Times)

Lĩnh vực nghiên cứu vũ trụ cũng giúp phát triển những vật liệu mới chắc, bền hơn và nhẹ hơn hay những nguồn năng lượng mới. Chẳng hạn, Heli 3 có trong nước đá ở cực Nam của Mặt Trăng. Các nhà khoa học Trung Quốc tính ra rằng có đủ Heli 3 để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Trái đất trong 10.000 năm.

Hoạt động khám phá Mặt Trăng nói riêng và không gian nói chung đem lại nhiều lợi ích và cơ hội mới, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng của nhiều công nghệ vào đời sống hằng ngày như hệ thống liên lạc vệ tinh, pin mặt trời…, từ đó góp phần tạo thêm việc làm, tăng hiệu suất làm việc và phát triển nhiều lĩnh vực mới. Việc làm sáng tỏ những bí ẩn của vũ trụ sẽ mang lại những hiểu biết có giá trị về nguồn gốc của vũ trụ, tiềm năng của sự sống ngoài trái đất và sự phát triển của các công nghệ tiên tiến.

Đối với lĩnh vực y khoa, thông qua nghiên cứu được thực hiện trong không gian, các nhà khoa học có thể phát triển những công nghệ và phương pháp điều trị mới cho nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, như bệnh loãng xương, ung thư, tiểu đường…

Trong lĩnh vực khí hậu, hoạt động khám phá không gian hướng tới việc nghiên cứu bầu khí quyển của Mặt Trời, các cơn bão từ của mặt trời và tác động của nó đối với môi trường xung quanh Trái đất. Tháng 9/2023, Ấn Độ đã phóng tàu thăm dò Mặt Trời nhằm thực hiện sứ mệnh này.

Chinh phục không gian luôn là ước mơ của con người và sự tham gia ngày càng chủ động của các quốc gia châu Á rõ ràng sẽ mang lại các động lực mới, giúp thúc đẩy hơn nữa sự hiện diện cũng như hiểu biết của con người về không gian bên ngoài Trái đất.